Thế giới đầy những nền văn hóa độc đáo, trong đó có những tập tục kỳ lạ và đôi khi khó có thể tưởng tượng nổi.
|
Taarof: Trong hình là cử chỉ thể hiện sự kính trọng ở Iran, dù thông thường cử chỉ này sẽ được từ chối. Ví dụ, ở một số khu vực, người bán hàng sẽ từ chối nhận tiền của khách có địa vị cao hơn trong xã hội. Tuy nhiên, người mua sẽ kiên quyết trả tiền, người bán có thể từ chối nhiều lần trước khi chấp nhận. Phong tục này có thể khá khó hiểu với những người nước ngoài lần đầu tới đây. |
|
Mano Po: Đây là cử chỉ thể hiện sự tôn trọng người lớn tuổi. Người ta sẽ cúi đầu xuống, cầm tay người lớn tuổi và áp vào trán mình. Phong tục này chủ yếu có ở Philippines, một số khu vực của Malaysia và Indonesia. Thường thì cử chỉ này được thực hiện tại các buổi họp mặt gia đình để trẻ em xin lời chúc phúc của những người lớn tuổi. |
|
Bayanihan: Một trong những điểm độc đáo của văn hóa Filipino là “bayanihan” - tức là di chuyển cả một ngôi nhà sang vị trí khác. Dân làng sẽ tụ họp lại, nâng ngôi nhà lên và dịch chuyển tới vị trí mới để tránh lũ lụt, lở đất hay đơn giản chỉ là để có hàng xóm tốt hơn. “Bayanihan” thường diễn ra ở các vùng nông thôn, nơi nhà cửa được làm từ các vật liệu nhẹ như tre và gỗ. |
|
Vẽ Henna: Các đám cưới Hồi giáo thường có những truyền thống và nghi lễ có từ hàng trăm năm trước. Hai tối trước ngày tổ chức hôn lễ, những người phụ nữ trong gia đình cô dâu sẽ vẽ lên bàn tay, cánh tay và bàn chân cô dâu các họa tiết bằng mực Henna tượng trưng cho sự trưởng thành của người phụ nữ. Các họa tiết cũng được cho là sẽ đem lại may mắn và khả năng sinh nở cho cô dâu. |
|
Mudra: Mudra là phép bắt ấn của văn hóa đạo Phật và đạo Hindu, chủ yếu là ở Ấn Độ. Hơn 500 ý nghĩa khác nhau được thể hiện qua cách một người di chuyển bàn tay và ngón tay. Những động tác này cho phép người thực hiện kiểm soát dòng năng lượng trong cơ thể và tập trung vào một mục tiêu nhất định. Các động tác này xuất hiện trong tượng, tranh, các điệu múa, kịch, yoga và các phương pháp thiền. |
|
Đến muộn: Ở nhiều nơi trên thế giới, đến muộn các cuộc tụ họp xã hội có thể bị coi là bất lịch sự, nhưng ở Nam Mỹ thì không. Tại Chile, nếu chủ tiệc mời dùng bữa lúc 20h, khách mời nên đến vào 20h15, thậm chí là 20h30. Đến đúng giờ hoặc sớm hơn sẽ khiến chủ nhà chưa chuẩn bị kịp và người khách sẽ bị coi là quá “háo ăn”. Ở Ecuador, đến muộn 15-20 phút đồng nghĩa “đúng giờ”. |
|
Quy tắc uống rượu ở Nga: Có rất nhiều quy tắc uống rượu trong văn hóa Nga, ví dụ: bạn không được đặt cốc rượu dở xuống bàn sau khi nâng ly, mà phải uống cạn và úp ngược cốc. Đến muộn đồng nghĩa với việc phải uống cạn một ly đầy. Thêm nữa, nếu cầm cốc rỗng lúc nâng ly, bạn sẽ bị phạt uống hết cả một chai. |
|
Tiên răng: Ở Hy Lạp và Mauritania, trẻ em không đặt răng dưới gối chờ tiên răng tới lấy mà ném thật mạnh lên nóc nhà để được may mắn và khỏe mạnh. Trẻ em Malaysia chôn răng xuống đất do quan niệm rằng những gì là một phần cơ thể phải trở về với đất. Còn ở Thổ Nhĩ Kỳ, bố mẹ có thể dùng răng sữa đã rụng của con mình để thể hiện mong ước về tương lai của con cái, ví dụ nếu muốn con mình làm bác sĩ, họ có thể chôn răng của chúng gần một bệnh viện. |